09/07/2017 | 05:46

Quá nhiều điểm 10 phản ánh chất lượng giáo dục ảo

Theo thầy Đào Tuấn Đạt, quá nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia là kết quả của việc thay đổi môn thi, đề thi, hình thức thi chứ không phải chất lượng giáo dục được nâng cao.

Ngày 6/7, Bộ GD&ĐT đã cung cấp dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của 63 tỉnh thành. Khác với những năm trước dư luận thường quan tâm điểm liệt, năm nay, "mưa điểm 10" tăng mạnh. Trong đó, riêng TP Hà Nội có 621 điểm 10, TP.HCM có 453 điểm 10.

Nhìn lại, năm 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước chỉ có 100 bài thi đạt điểm 10. Năm 2015, toàn quốc có duy nhất một thí sinh đạt 10 điểm môn Vật lý, 85 thí sinh đạt 10 môn Toán. 

Bàn về vấn đề này, Zing.vn có cuộc trao đổi với ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.

'Mưa'... điểm 10

- Theo thống kê từ các sở GD&ĐT, nhiều thí sinh đạt điểm 10. Ông đánh giá như thế nào về kết quả kỳ thi THPT quốc năm nay?

- Kỳ thi THPT quốc gia 2017 không phải nhiều điểm 10 mà là rất nhiều. Những năm trước, cả nước chỉ có vài chục điểm 10 thì nay mỗi tỉnh có vài trăm. Vì thế, các báo không ngần ngại gọi đúng tên của hiện tượng là “cơn mưa điểm 10”.
 


Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội. Ảnh: NVCC.


Sẽ có người cho rằng vì kỳ thi THPT quốc gia có mục đích hai trong một, phần cơ bản để xét tốt nghiệp và nâng cao tuyển sinh vào đại học nên có nhiều điểm 10. Đó chỉ là ngụy biện vì hai năm trước, khi kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu, không có những "cơn mưa điểm 10" như năm nay. Đây có thể là bất thường mà khi có phổ điểm đầy đủ các môn trong toàn quốc, chúng ta sẽ thấy rõ hơn. 

- Theo ông, việc điểm 10 phủ kín ở khắp môn thi phản ánh điều gì trong bức tranh giáo dục?

- Chính điểm "đẹp không tì vết" đã phản ảnh chất lượng ảo của giáo dục. Giáo dục là cả một quá trình chứ không thể có chuyện hôm trước em mới học tính cộng, hôm sau đã giải tích phân.

Giả sử có bước tiến đáng kinh ngạc như vậy, chúng ta chỉ có thể hiểu là có trò ảo thuật hay làm xiếc. Một vận động viên chưa đạt thành tích SEA Games thì làm sao có huy chương vàng Olympic ngay.

Điểm 10 ở đây là kết quả của việc thay đổi môn thi, đề thi, hình thức thi và có thể ở cả khâu tổ chức và chấm thi, chứ không phải chất lượng giáo dục được nâng lên.

Nếu lấy điểm bài thi năm nay làm thước đo chất lượng giáo dục, thước đo đó đã phá sản hoàn toàn.

- Trước hàng nghìn điểm 10, cảm xúc của ông buồn hay vui?

- Cảm xúc cá nhân của tôi hoàn toàn nhường chỗ cho hoang mang thực sự của thí sinh về việc được điểm cao nhưng không biết có đỗ đại học không.

Những năm trước, 27 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội thì năm nay 30 điểm liệu đã chắc đỗ?

Kết quả cao bất ngờ ngay cả ở những môn không sở trường khiến các em nghi ngờ cả bản thân mình. Mình giỏi thật hay vì điều gì?

May rủi với bài thi trắc nghiệm

- Với kết quả điểm cao thế này, các trường có yên tâm xét tuyển?

- Năm nay, đáp án đúng không phân bố đều cho 4 phương án để tránh tình trạng học sinh chỉ đánh một phương án sẽ được 2,5 điểm.

Phân bố không đồng đều sẽ xảy ra tình huống một số học sinh vẫn cứ đánh một phương án, nếu ăn may sẽ được nhiều hơn 2,5 điểm.

Việc để một số em không được 2,5 điểm lại khiến số thí sinh khác được điểm nhiều hơn 2,5. Nếu đây thuộc phần nâng cao thì quá may cho em đó, vì chỉ hơn nhau 0,25 điểm đã từ đỗ thành trượt.

Đề thi với phần cơ bản quá dễ, phần nâng cao nhờ vào may rủi, tôi không biết các trường có yên tâm xét tuyển không.

- Từ góc nhìn này, ông đánh giá thế nào về tất cả môn thi trắc nghiệm, trừ Ngữ văn?

- Người ta nói nhiều đến tiện lợi về mặt kỹ thuật của thi trắc nghiệm nhưng lờ đi việc nó sẽ ảnh hưởng tư duy và dạy học ở bậc phổ thông như thế nào. Tức là, họ không đề cập về mặt học thuật. Không phải tự nhiên mà trong chương trình tú tài quốc tế có ghi chú nên hạn chế hình thức đánh giá bằng trắc nghiệm.

Hình thức thi này không khác gì người thợ đóng từng viên gạch, chất đống lại chứ không thể xây ngôi nhà. Kiến thức khoa học liên hệ chặt chẽ với nhau. Một bài toán hay một câu hỏi không bao quát hết cả vấn đề. Nếu chỉ dừng ở các kiến thức được băm nhỏ ra, cho dù đầy đủ, đó cũng không phải khoa học.

Chỉ dừng ở kiến thức còn chưa xong nói gì đến việc học phương pháp khoa học. Không học được phương pháp tức là anh chả học được gì. Điểm số dù cao cũng chỉ là ảo. 
 

Theo Zing

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực