19/05/2017 | 15:35

Giáo dục phổ thông theo kiểu phân ban tự nhiên và xã hội đã lỗi thời

Tư duy học phổ thông là để chuẩn bị cho kỳ thi đại học là sai lầm. Phân ban theo tự nhiên, xã hội là khái niệm đã cổ xưa, tư duy đã lạc hậu.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận định hạn chế của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là không có sự rõ ràng giữa phân luồng và phân ban học sinh.

Hạn chế là phân luồng như phân ban

Trước hết, GS Vũ Minh Giang đánh giá, những thay đổi trong chương trình giáo dục tổng thể là một tín hiệu đáng mừng chuyển từ nền giáo dục tiếp cận nội dung, dạy từng nội dung cụ thể sang nền giáo dục tiếp cận kỹ năng, phương pháp, giáo dục về việc làm người. Điều này thể hiện tinh thần chủ động hội nhập với giáo dục theo xu thế tích hợp của giáo dục nước nhà.
 
Giáo dục phổ thông theo kiểu phân ban tự nhiên và xã hội đã lỗi thời.
GS. TSKH Vũ Minh Giang - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội.

Nhận định về những hạn chế của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, với tư cách là chuyên gia về giáo dục, nhà khoa học và cũng là một thầy giáo, GS Vũ Minh Giang cho rằng, cần phải xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông là hành trang để giáo dục một công dân bước vào đời.

GS Vũ Minh Giang cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang xây dựng theo hướng phân luồng lớp 11 và 12 cho học sinh chọn môn thiên về tự nhiên hay xã hội là có vấn đề. Bởi nếu như vậy, học sinh vẫn rơi vào tình trạng chỉ học những môn mình thích, những môn phục vụ thi cử mà bỏ các môn còn lại.

Vẫn sẽ có học sinh học lệch, què quặt về kiến thức

Ông Giang cho rằng, không thể nhầm lẫn giữa việc phân luồng và phân ban học sinh. Phân luồng là phân rõ học xong phổ thông ai vào được đại học, ai học trung cấp, ai đi học nghề chứ không phải phân ban theo khối môn. Phân ban theo tự nhiên, xã hội là khái niệm đã cổ xưa, tư duy đã lạc hậu cách đây nửa thế kỉ rồi.

"Tư duy học phổ thông là để chuẩn bị cho kỳ thi đại học là sai lầm. Trách nhiệm đó không thuộc về giáo dục phổ thông. Học phổ thông là trang bị kiến thức cho một công dân", GS nói.

Vì vậy, ông Giang nhấn mạnh, kiến thức học sinh học cần bình đẳng như nhau chỉ có phân trình độ người giỏi và người kém chứ không phải phân người giỏi tự nhiên, người giỏi xã hội nữa. Còn việc phát hiện năng khiếu tự nhiên, năng khiếu xã hội thì lại là vấn đề khác.

Có thể nói, chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đi theo lối mòn phân luồng như phân ban học sinh theo hai ban tự nhiên và xã hội. Theo GS Vũ Minh Giang, nếu đào tạo như thế, sẽ có khoảng 70 – 80% học sinh bị lệch lạc và vẫn có những lứa học sinh không hoàn chỉnh, què quặt về kiến thức.
Tổng hợp

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực