22/05/2017 | 18:29

Đề xuất bậc THCS học 5 năm, bậc THPT còn 2 năm

Góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề xuất tăng thời gian đào tạo bậc THCS lên 5 năm, bậc THPT còn 2 năm.
Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đóng góp 12 ý kiến cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong số đó, Hiệp hội đề xuất nếu có thể nên bố trí lại khung giáo dục Phổ thông là 5+5+2.
 

Đề xuất bậc THCS học 5 năm, THPT học 2 năm

Cụ thể, theo thông lệ quốc tế hiện nay, chương trình giáo dục cơ bản cần 10 năm. Vì vậy Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề nghị nếu có thể nên bố trí lại khung giáo dục phổ thông là 5+5+2 (Tiểu học: 5 năm, THCS: 5 năm, THPT: 2 năm) thay cho khung 5+4+3 hiện nay.
 
Đề xuất bậc THCS học 5 năm, bậc THPT học 2 năm.

Điều này có nghĩa, Hiệp hội đề xuất tăng thời gian đào tạo bậc THCS lên 5 năm và giảm thời gian đào tạo bậc THPT xuống còn 2 năm.

Theo quan điểm của hội, phân chia như vậy, bậc THCS có thêm thời gian để hoàn thành kiến thức phổ thông cơ bản cho người học. Bậc THPT sẽ thực hiện nhiệm vụ phân luồng cho người học triệt để hơn.
 

Lớp 10 mới định hướng nghề nghiệp là muộn

Một vấn đề khác được Hiệp hội nhấn mạnh trong số 12 ý kiến đóng góp là việc hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 10.

Theo quan điểm của hội, việc định hướng này là một quá trình đã được tiến hành suốt các bậc học từ tiểu học đến THCS và cuối cùng là bậc THPT.

Trong khi theo thông lệ quốc tế hiện nay, chương trình giáo dục cơ bản cần 10 năm mà đến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới xác định năm lớp 10 mới hướng nghiệp là muộn.
 

Bổ sung dạy tiếng mẹ đẻ cho người dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc

Ngoài ra, Hiệp hội giáo dục cho mọi ngườ Việt Nam còn nêu ra một số đề xuất khác như việc nên bổ sung thời lượng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho người dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc. 

Thời lượng dự kiến dành cho nội dung giáo dục của địa phương cùng với môn tiếng dân tộc thiểu số chỉ khoảng 5% tổng thời lượng chương trình như trong dự thảo là quá ít.

Ngoài tiếng dân tộc, dự thảo chưa đề cập đến ngôn ngữ đặc thù của các đối tượng người khuyết tật như ngôn ngữ ký hiệu của người điếc, chữ Braille của người mù, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận chương trình giáo dục một cách bình đẳng.

"Riêng với người điếc cần được học theo phương pháp song ngữ (ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt). Cần phải công nhận ngôn ngữ ký hiệu là tiếng mẹ đẻ của người điếc. Vì vậy, thời lượng học ngôn ngữ ký hiệu cần phải đảm bảo trang bị đủ khái niệm, kiến thức cơ bản để học sinh điếc theo kịp chương trình chung với các học sinh khác”, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề xuất.

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực