21/05/2017 | 09:56

Căn cứ nào đòi hỏi học sinh chuẩn phải đạt đủ 6 phẩm chất 10 năng lực?

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh mới với đủ 6 phẩm chất và 10 năng lực. Căn cứ vào đâu để đưa ra "tham vọng" này?
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố ngày 12/4 đặt mục tiêu rèn luyện học sinh theo chân dung người công dân toàn cầu với 6 phảm chất và 10 năng lực. Cụ thể:

6 phẩm chất chính là:
  1. Yêu đất nước
  2. Yêu con người
  3. Chăm học
  4. Chăm làm
  5. Trung thực
  6. Trách nhiệm.
​10 năng lực bao gồm:
  • 3 năng lực chung là: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;
  • 7 năng lực chuyên môn khác là: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

 

Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng và các chương trình, tài liệu giáo dục nước ngoài

GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể) trả lời báo chí về căn cứ xác định 6 phẩm chất 10 năng lực. Theo đó, yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh được đặt ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
 
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Căn cứ nào đòi hỏi học sinh đủ 6 phẩm chất 10 năng lực.

Đó là sự tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của dân tộc. Trong giáo dục cũng như trong đời sống, phẩm chất được đánh giá bằng hành vi, còn năng lực được đánh giá bằng hiệu quả của hành động.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, căn cứ để xác định các phẩm chất chủ yếu là những đức tính của người Việt Nam được nêu ra trong các nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, đặc biệt là Năm điều Bác Hồ dạy học sinh và yêu cầu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay.

Về các năng lực cốt lõi nêu trong chương trình tổng thể, ba năng lực chung và 7 năng lực chuyên môn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đó là những năng lực mà ai cũng cần có để sống, làm việc trong xã hội hiện đại.

GS Thuyết khẳng định, các năng lực này đã được xác định trong nhiều chương trình và tài liệu giáo dục nước ngoài, đặc biệt là các tài liệu Xác định và lựa chọn các năng lực cốt lõi của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) năm 2005, Các năng lực cốt lõi để học tập suốt đời – Khung tham chiếu châu Âu của EU (Liên minh Châu Âu) năm 2006 và Tầm nhìn mới về giáo dục – Mở khóa tiềm năng về công nghệ của WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) năm 2015.
 

Đặt quá nhiều tham vọng, mang tính khẩu hiệu là chính

Nhận định về mục tiêu rèn luyện học sinh mới theo chân dung người công dân toàn cầu, GS.TSKH Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học chia sẻ, cảm giác chương trình này bị ám ảnh bởi nghị quyết, chính sách nên đã đặt ra quá tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính.

Tương tự, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chương trình mới chỉ liệt kê những phẩm chất, năng lực gì và biểu hiện của nó ra sao. Tuy nhiên, biểu hiện chỉ là cơ sở để đánh giá phẩm chất năng lực chứ chưa phải là điều cần đạt về năng lực.

Cũng theo ông Tiến, chương trình giáo dục lần này chưa trả lời được câu hỏi: “Làm thế nào để đạt được các phẩm chất, năng lực này?". Các định hướng về nội dung các môn học không nêu lên được cách đi tới các phẩm chất, năng lực đó. 

"Các nhà viết nội dung chương trình học cần làm rõ việc học môn gì thì xây dựng những phẩm chất năng lực nào. Vì ngày nay, việc xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực, cần làm rõ mối quan hệ nặng, nhẹ giữa từng năng lực chung với từng môn học/hoạt động giáo dục. Có như vậy mới định hướng được về kết quả đầu ra”, ông Tiến phân tích.
 
Lưu Luyến (Tổng hợp)

Khảo sát ý kiến khách hàng

Theo bạn, Việt Nam nên học mô hình giáo dục của nước nào?

Mỹ
Trung Quốc
Singapore
Nga
Không nước nào

Mã xác thực