23/04/2017 | 08:49
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ về định hướng phát triển viễn thông, CNTT trong năm 2017
Bộ TT&TT đã trải qua năm 2016 với nhiều sự kiện có dấu ấn đặc biệt trong công tác quản lý ngành TT&TT. Nhân dịp đầu năm 2017, xin Bộ trưởng chia sẻ đôi điều về kết quả của Ngành trong năm 2016 và định hướng phát triển cho lĩnh vực viễn thông, CNTT cho năm nay.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Trước hết, thay mặt cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tôi trân trọng gửi tới toàn thể bạn đọc cùng gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Trong năm 2016, toàn ngành TT&TT đã nỗ lực thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển đặt ra. Riêng trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), một trong những kết quả rõ nét có thể thấy được đó là vấn nạn sim rác, tin nhắn rác, và hoạt động lừa đảo qua các dịch vụ trên mạng viễn thông đã được các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT chủ động triển khai ngăn chặn quyết liệt bằng nhiều biện pháp và bước đầu đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận.
Thực tế triển khai trong thời gian vừa qua cho thấy, việc siết chặt quản lý SIM rác, tin nhắn rác và các dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) có tính chất lừa đảo người dùng có ảnh hưởng nhất định tới doanh thu của các nhà mạng. Tuy nhiên, đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết của Bộ TT&TT để làm lành mạnh lại thị trường viễn thông, tạo sức ép lên các doanh nghiệp để đổi mới định hướng kinh doanh, không phát triển theo hướng tăng số lượng thuê bao mà đặc biệt là thuê bao ảo bằng mọi giá mà không quan tâm đến chất lượng, độ bền vững, ổn định của khách hàng sử dụng thuê bao di động. Với mong muốn đó, Bộ TT&TT hi vọng doanh nghiệp viễn thông cần tập trung nghiên cứu, tận dụng cơ hội từ các xu hướng công nghệ mới, có sự bứt phá để cung cấp nhiều dịch vụ mang lại giá trị thực sự cho khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, CNTT.
Bên cạnh việc thắt chặt quản lý những mặt còn yếu kém của thị trường, Bộ TT&TT cũng đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của Ngành. Điều này được phản ánh cụ thể qua việc đồng loạt 4 nhà mạng di động đã được cấp phép 4G và các nhà mạng lớn đã khẩn trương tiến hành cung cấp dịch vụ 4G tại một số thành phố ngay trong năm 2016. Kết quả này đã cho thấy những bước phát triển đáng mừng của ngành TT&TT trong năm vừa qua. Đây chính là nền tảng, định hướng quan trọng để phát triển hạ tầng băng thông rộng của Bộ TT&TT với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực TT&TT nhằm tận dụng các cơ hội, lợi thế mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ trên nền tảng 4G với băng thông rộng và tốc độ cung cấp dịch vụ lớn hơn trước thì việc phát triển ứng dụng gì, nội dung gì phù hợp để thu hút người dùng, mang lại nguồn doanh thu cao sẽ là sức ép không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trong thời gian tới.
Trong năm 2017, toàn ngành TT&TT sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Đối với lĩnh vực viễn thông, CNTT, định hướng trọng tâm trong năm nay là: Phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước, đảm bảo giá cả cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt, thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dịch vụ 4G, tăng cường hoạt động kinh doanh dịch vụ nội dung đa dạng trên môi trường mạng đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển CNTT trong toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế cũng như tăng cường nhận thức và các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin. Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, nâng cao công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hơn nữa tính chủ động, hiệu quả và tính cực trong công tác quản lý nhà nước.
PV: Năm 2017, đứng trước cơ hội cũng như thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để có thể đột phá với khát vọng đưa Việt Nam vươn lên một tầm cao mới trên thế giới, mong Bộ trưởng chia sẻ thêm định hướng chiến lược ngắn hạn và dài hạn đối với lĩnh vực viễn thông - CNTT.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nên Bộ TT&TT sẽ có những chiến lược cụ thể nhằm thúc đẩy lĩnh vực viễn thông - CNTT nước ta phát triển, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước. Ngay từ đầu năm, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện kế hoạch đã được quán triệt tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của ngành TT&TT. Trong thời gian tới, toàn Ngành cần tập trung huy động nguồn lực, trí tuệ để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đến năm 2020 đã được đặt ra trong các Nghị quyết, Chương trình, Quy hoạch, Kế hoạch đã được phê duyệt. Ở đây, tôi xin chia sẻ thêm về một số định hướng cụ thể như sau:
Thứ nhất:Tăng cường công tác phát triển, đào tạo nhân lực viễn thông, CNTT từ nay cho đến năm 2020
Con người luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học công nghệ và đặc biệt trong lĩnh vực TT&TT. Để đón bắt được cơ hội đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ nay đến năm 2020, Bộ TT&TT sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành điện tử, viễn thông, CNTT và an toàn thông tin. Đây là một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của Ngành với mục tiêu không chỉ tập trung vào số lượng mà còn đảm bảo được chất lượng chuyên môn, và đặc biệt phải có các kỹ năng mềm cần thiết và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể hội nhập sâu hơn với thị trường công nghệ toàn cầu.
Trong năm 2017, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để việc đào tạo nguồn nhân lực Viễn thông, CNTT sát với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động và nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, CNTT.
Thứ hai: Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp
Bộ TT&TT sẽ phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành của Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, CNTT. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua công tác truyền thông để nâng cao hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Để phát huy tinh thần khởi nghiệp trong chính nội tại các doanh nghiệp, thay bằng việc đưa ra các khẩu hiệu chung chung mang tính hình thức, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT triển khai bằng việc đưa ra các biện pháp cụ thể, có những không gian sáng tạo với cơ chế linh hoạt và ngân sách đầu tư thích hợp để ứng dụng các sáng kiến vào thực tế quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cũng như khởi tạo những sản phẩm có tính đột phá, đặc biệt các sản phẩm có tính mở với phạm vi ứng dụng trên toàn cầu.
Thứ ba:Triển khai mạng 4G và phát triển dịch vụ GTGT
Đã từ vài năm nay, doanh thu của các nhà mạng viễn thông lớn của chúng ta đã bắt đầu có sự chuyển dịch. Trước đây, các dịch vụ truyền thống như thoại và tin nhắn chiếm phần lớn doanh thu thì nay với sự phát triển của 3G, 4G các dịch vụ GTGT, dịch vụ nội dung trên nền công nghệ số đã dần chiếm tỉ trọng lớn doanh thu của các nhà mạng. Việc triển khai mạng 4G sẽ tạo nên một nền tảng kết nối dữ liệu tốc độ cao, tạo cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ nội dung. Cùng với việc tốc độ kết nối truy cập dữ liệu tăng, nhu cầu sử dụng các dịch vụ này của người sử dụng sẽ ngày càng phát triển, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp có thể thu được doanh thu ngày càng lớn hơn. Chính vì lý do này, trong năm 2017, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới để cung cấp 4G trong năm 2017, đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt cho việc phát triển các dịch vụ nội dung trên nền tảng này.
Tại Việt Nam, các nhà mạng viễn thông đã quan tâm từ khá sớm việc phát triển các dịch vụ nội dung và xu thế hội tụ đa dịch vụ. Tuy nhiên, tôi chưa thấy sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong triển khai các dịch vụ này. Các nhà mạng viễn thông mặc dù có lợi thế về nhân lực, bộ máy, trang thiết bị CNTT, có mạng lưới viễn thông rộng khắp bao phủ tới từng xã, từng thôn nhưng việc cung cấp nội dung và các loại hình dịch vụ nội dung chưa tương xứng với quy mô mạng lưới, chưa tận dụng được thế mạnh sẵn có. Các sản phẩm nội dung chưa có nhiều đột phá, các dịch vụ GTGT chưa có sự sáng tạo, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết thực trong thực tế cuộc sống. Việc hội tụ đa dịch vụ trên một đường truyền dẫn của các nhà mạng cũng được triển khai thực hiện nhưng thị trường vẫn thiếu vắng các loại hình dịch vụ phù hợp với khu vực nông thôn và đại đa số các hộ dân; các dịch vụ truyền hình dựa trên nền tảng internet đã có nhưng giá thành còn cao và chưa phù hợp với khả năng chi tiêu ở nhiều vùng miền. Đây là một số khó khăn vướng mắc cần giải quyết trong ngắn hạn. Trong dài hạn, tôi hi vọng các nhà mạng sẽ đẩy nhanh tốc độ để nghiên cứu, phát triển làm chủ được các nền tảng khoa học, công nghệ, tiến tới việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT trọn gói, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin không chỉ cho các cơ quan của Chính phủ mà còn cho các doanh nghiệp.
Việc phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ IoT (internet vạn vật) với các ứng dụng đơn cử như các ngôi nhà thông minh dựa trên các kết nối internet tạo nên tiện ích điều khiển từ xa bật tắt thiết bị điện gia dụng và ngắt khi đã sử dụng xong để tiết kiệm năng lượng, hay như hệ thống an ninh khi phát hiện sự nguy hiểm sẽ cảnh báo cho con người cũng như có một số biện pháp chủ động ứng phó để bảo vệ ngôi nhà hoặc thông báo tới công an địa phương. Từ ngôi nhà kết nối thông minh, cùng với việc kết nối tới các dịch vụ quản lý của chính quyền như dịch vụ công cộng như điều khiển hệ thống ánh sáng thành phố, điều hướng giao thông thông minh, đến liên kết xử lý thông minh hệ thống báo cháy, báo khói, liên kết các hệ thống giám sát, và rất nhiều dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ hình thành một thành phố thông minh. Tất cả đều cần sự kết nối, sự tham gia sáng tạo và thực hiện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT mà đặc biệt là các nhà mạng viễn thông cần đi tiên phong, đóng vai trò chủ đạo.
Song song với việc phát triển các dịch vụ, ứng dụng theo chiều sâu đi vào phục vụ người dân và an sinh xã hội như tôi đề cập ở trên thì việc phát triển đưa CNTT, viễn thông của Việt Nam ra toàn cầu là hết sức cần thiết. Chúng ta cần đẩy nhanh, mạnh việc phát triển các dịch vụ viễn thông, CNTT có tính sáng tạo, đặc trưng của Việt Nam để có thể đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra nền tảng để đưa ngành Viễn thông, CNTT của Việt Nam vươn tầm ra thế giới. Việc các doanh nghiệp của Việt Nam đi ra nước ngoài không chỉ với mục đích phát triển kinh doanh mà sẽ còn là cầu nối truyền tải được văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam một cách thuyết phục và sắc nét nhất đến với bạn bè trên thế giới.
Thứ tư: Phát triển Chính phủ điện tử và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước
Trong thời gian tới đây, Bộ TT&TT sẽ xây dựng các chính sách để phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngay trong năm 2017, Bộ TT&TT quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, Bộ sẽ có những giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương theo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.Bộ cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, trong đó ưu tiên triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý các nguồn lực phát triển đất nước.
Thứ năm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao dịch điện tử
Với tốc độ phát triển vượt bậc trên phạm vi toàn cầu, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ này việc sử dụng các dịch vụ, tiện ích về giao dịch điện tử để đáp ứng các nhu cầu thiết thực hàng ngày của xã hội đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này đã khiến cho giao dịch điện tử trở nên phổ biến trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Hiện nay, ước tính có trên 1.300 lĩnh vực ứng dụng giao dịch điện tử, các hình thức giao dịch điện tử rất phong phú bao gồm: gửi thư, văn bản điện tử, trao đổi dữ liệu điện tử, thanh toán điện tử, thương mại điện tử…
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các loại hình giao dịch điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử. Đây là một yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định sự thành công của giao dịch điện tử ở Việt Nam. Để có thể giải quyết được vấn đề này, công tác chứng thực điện tử đóng một vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động về giao dịch điện tử. Với nhu cầu cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, năm 2017, Bộ TT&TT sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này.
Đồng thời Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có những biện pháp để thúc đẩy việc triển khai mạnh mẽ dịch vụ chứng thực điện tử trong xã hội, góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời, việc phát triển dịch vụ chứng thực điện tử là điều kiện tiên quyết, và là cơ sở để có thể triển khai các giao dịch điện tử trong quản lý nhà nước như Chính phủ điện tử, Hải quan điện tử, hay trong các dịch vụ phục vụ cho toàn thể xã hội như trong cung cấp dịch vụ y tế, đào tạo, tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử...
Thứ sáu: Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin (ATTT)
ATTT luôn là chủ đề nóng và được Bộ TT&TT quan tâm bởi tính quyết định của vấn đề đối với sự phát triển bền vững của ngành Viễn thông - CNTT. Trong năm 2017, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng chủ động phản ứng với sự cố, hỗ trợ rà soát các điểm yếu ATTT trong các hệ thống thông tin hay đầu tư giải pháp trọng điểm về phát hiện và phòng chống các nguy cơ tấn công sẽ được tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ.
Từ những bài học về ATTT tại các nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới thì việc chỉ tập trung đầu tư các giải pháp công nghệ là chưa đủ mà phải đẩy mạnh đầu tư các yếu tố con người như nâng cao nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn quản lý an toàn thông tin. Lực lượng nhân lực an toàn thông tin phải mạnh thì mới có thể vận hành hiệu quả các hệ thống kỹ thuật hiện đại và từng bước cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ an toàn thông tin thế giới.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian để chia sẻ sâu sắc và chi tiết về xu hướng phát triển viễn thông, CNTT trong thời gian tới. Xin chúc Bộ trưởng sức khỏe, hạnh phúc và mong Bộ trưởng sẽ đưa ra nhiều chủ trương chính sách phát triển các lĩnh vực viễn thông và CNTT Việt Nam thành điểm sáng và là một trong những nước phát triển hàng đầu về lĩnh vực này.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Cám ơn bạn về lời chúc tốt đẹp, thay mặt Bộ TT&TT, tôi xin cảm ơn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cán bộ công nhân viên đang ngày đêm làm việc để đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc an toàn, thông suốt. Viễn thông là huyết mạch thông tin của đất nước, tôi hi vọng và tin tưởng sức sáng tạo trong lĩnh vực CNTT sẽ làm hiệu quả hơn các dòng chảy thông tin, sẽ làm giàu thêm cho đất nước bởi sự sáng tạo.