Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nhiều điểm mới với nhiều môn thi chuyển sang hình thức trắc nghiệm, trừ môn văn. Kim Ngân (hiện là sinh viên Học viện An ninh Nhân dân) chia sẻ rằng, khoảng thời gian này, các thí sinh nên bắt đầu tổng hợp, xâu chuỗi kiến thức các môn thi. Sau đó, các bạn thử làm đề thi để tập quen cách làm, kiểm tra lại kiến thức và tư duy nhạy bén khi làm trắc nghiệm.
Nguyễn Thị Kim Ngân đang học tập tại Học viện An ninh Nhân dân
Đối với môn sử, các bạn phải nhớ đúng mốc thời gian diễn ra các sự kiện. Nếu bạn không nắm vững mốc thời gian thì học hoài mà cứ lẫn lộn. Những sự kiện tiêu biểu, bạn nên nhớ cả ngày, tháng, năm. Điều lưu ý là bạn cần học tốt trong sách giáo khoa. Ngoài ra, các bạn xem phim tài liệu, đọc sách tham khảo để nhớ kiến thức tốt hơn. Mỗi ngày, bạn chăm chỉ học một ít. Gần ngày thi, bạn ôn lại sẽ dễ dàng nhớ kiến thức lâu hơn.
Năm nay, môn sử được đổi mới bằng hình thức thi trắc nghiệm. Theo Ngân, hình thức thi khá khó vì các câu hỏi về những chi tiết dễ có thể bị bỏ qua. Hoặc nhiều câu có nội dung tương đồng khiến thí sinh rất dễ bị đánh lừa. Để tránh nhầm lẫn, sai xót, thí sinh nên đọc thật kỹ đề, gạch ra ý chính để chọn đúng đáp án.
Kim Ngân (bên phải) cùng bạn học chung trường
Kim Ngân cho biết: “Khi làm bài môn địa, các bạn được mang Atlat vào phòng thi. Bạn nên nhớ, “Atlat là sách giáo khoa bằng hình”. Ngoài việc, bạn nắm vững các kiến thức như: Đặc điểm dân số Việt Nam, điều kiện kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế... Khi làm bài, bạn có thể dùng Atlat để suy luận vấn đề, lý giải để tìm ra đáp án đúng”.
Về môn văn, khi làm bài, các bạn nên mạnh dạn nêu lên cảm nhận, suy nghĩ cá nhân. Môn văn không có dàn bài cố định nhưng những ý chính của tác phẩm bắt buộc phải có. Việc tự cảm nhận tác phẩm kết hợp với định hướng bài giảng của giáo viên giúp bạn không phải học thuộc lòng nhiều. Khi làm bài, các bạn phải đảm bảo những ý chính và nêu lên những phát hiện mới khi phân tích tác phẩm. Điều này giúp các bạn thể hiện tính sự sáng tạo, nhạy bén trước vấn đề. Khi đọc đề bài, bạn nên gạch ý chính ra giấy nháp để tránh lạc đề, thiếu sót ý trong khi viết.
TIN LIÊN QUAN
Thủ khoa khối B chia sẻ kinh nghiệm ôn thi trắc nghiệmNguyễn Tiến Dũng là thủ khoa khối B trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 với tổng điểm 3 môn là 29,15. Hiện tại, Tiến Dũng là sinh viên ngành bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y Hà Nội.
Kim Ngân chia sẻ thêm cách làm bài 3 môn để đạt hiệu quả. Đề thi có những phần nâng cao để phân loại học sinh, mọi người thường gọi là “bẫy”. Khi cầm đề thi, việc đầu tiên là bạn phải đọc kỹ đề, gạch chân “từ khóa” quan trọng. Trong quá trình làm bài, bạn nên kiểm tra lại bài làm để xem mình chọn đúng đáp án chưa, có bị sót câu nào hay không?… Những câu hỏi khó, các bạn nên tinh ý, dựa vào các kiến thức cơ bản để suy luận, tìm đáp án chính xác.
Theo Ngân, những kiến thức trong sách giáo khoa tương đối đủ để đạt điểm thi tốt. Đối với các môn xã hội, các thí sinh mong muốn đạt điểm số cao hơn thì cần rèn luyện thêm kiến thức thực tiễn, tìm hiểu thông tin sự kiện xã hội đang diễn ra trong nước và cả thế giới.
“Để có tâm lý tốt, thí sinh không nên tự tạo quá nhiều áp lực. Các bạn nên chia sẻ khó khăn, căng thẳng với người thân, bạn bè. Những lời động viên từ mọi người sẽ giúp các bạn trút bớt nỗi lo về điểm số, áp lực thi cử... Từ đó, các bạn sẽ cố gắng sắp xếp thời gian, tập trung ôn tập và làm bài đạt hiệu quả hơn”, Kim Ngân tâm sự.