Bí kíp để teen "phá đảo" 3 môn thi tuyển trường Phổ thông năng khiếu
Ngôi trường Phổ thông năng khiếu (quận 5 TP HCM) với môi trường học tập tốt, nhiều cơ hội cho tương lai dù là học đại học trong nước hay đi du học trở thành niềm mơ ước của nhiều teen. Vì vậy, để vào được ngôi trương này là điều không dễ dàng.
Vì đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường Phổ thông năng khiếu theo đề án riêng nên đồi hỏi thí sinh phải có bỏ túi những bí kíp cực hiệu quả để đối phó với 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Làm sao để "phá đảo" đề thi môn Toán?
Hàng năm, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường Phổ thông năng khiếu gồm 2 phần Đại số và Hình học.
Đối với phần Đại số, các teen cần chú ý về kĩ năng biến đổi đại số và tính cẩn thận trong các bài phương trình. Bài phương trình bậc hai và Vi-ét sẽ là dạng bài khó đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng linh hoạt, cách biện luận và tư duy.
Dạng giải Toán bằng cách lập phương trình có hai bài: Một bài đơn giản và bài phức tạp hơn. Bài phức tạp hơn thường chính là bài khó nhất đề thi. Với dạng bài này, nếu thí sinh không biết cách lập phương trình nhưng biết suy luận hợp lí vẫn được tính điểm như thường.
Phần Hình học sẽ bao gồm 3 câu hỏi nhỏ, với những câu quen thuộc như tính độ dài cạnh, tỉ số đoạn thẳng hay độ lớn các góc...
Thầy Vương Trung Dũng (giáo viên Toán trường Phổ thông Năng Khiếu) “mách nước” cho các teen: “Khi gặp những bài khó, nếu đã hình dung ra được hướng giải thì cứ ghi ra. Vì làm sai không bị trừ điểm, vì chấm theo barem, đúng tới đâu được điểm tới đó. Nên xem kĩ đề để biết mục đích của đề là làm gì, mình có đang bỏ qua giả thiết nào không và cố gắng liên hệ đến các mô hình bài Toán cũ khi luyện tập ở nhà để nghĩ ra xem đây là dạng đề biến thể hay tổng hợp nào của các dạng bài mình đã biết”.
"Nổi loạn" với đề Văn trường Năng khiếu
Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn trường Phổ thông Năng khiếu gồm: Một câu đọc hiểu, một câu Nghị luận Xã hội và Nghị luận Văn học giống như đề tuyển sinh của Sở GD&ĐT TP HCM nhưng ở cấp độ khó hơn.
Với đề thi Văn không chuyên, phần đọc hiểu là một đoạn văn bản không nằm trong chương trình yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi. Phần Nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích một tác phẩm văn học (có thể là tác phẩm ngoài chương trình học và yêu cầu thí sinh liên hệ với tác phẩm đã học).
Bạn Uyên Linh (thủ khoa Văn Quốc Gia, lớp 11 Văn PTNK) chia sẻ: “Yếu tố ghi điểm trong bài viết của Năng Khiếu là sự sáng tạo và quan điểm chủ quan của mỗi người. Thông qua việc học và việc đi thi đầu vào ở Năng Khiếu, các thầy cô đều muốn nhấn mạnh tính cá nhân và tính chủ quan của học sinh. Các bạn có thể nhớ ý và chép theo ý để được 0,5 ở ý này hay 1 điểm ở ý khác trong bất kì bài thi nào, trừ Năng Khiếu. Thầy cô luôn tìm những bài kiểu độc - lạ - chất mà không bị gò theo suy nghĩ của giáo viên luyện thi hay những cuốn sách tham khảo”.
"Hóa giải" đề thi tiếng Anh bằng sự bình tĩnh
Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn tiếng Anh trường Phổ thông Năng khiếu gồm 80 câu trắc nghiệm trải dài ở các phần như reading (đọc văn bản), guided cloze (chọn từ thích hợp điền vào đoạn văn), tìm và sửa lỗi sai trong câu, phần còn lại sẽ là trắc nghiệm kiểm tra trình độ văn phạm cũng như vốn từ vựng.
Đề thi tiếng Anh chuyên bên cạnh những phần trên còn có thêm những phần như viết lại câu, open cloze (tự điền từ vào đoạn văn không có hướng dẫn lựa chọn), wordform (chuyển dạng từ).
Lưu ý khi làm bài Reading, học sinh nên đọc trước phần đầu và kết để có cái nhìn tổng quát về bài, đọc trước câu hỏi để xác định được những thông tin mình cần tìm trong bài. Cách làm này giúp các teen làm tới đâu đúng tới đó, không lo bị rối.
Bạn Nguyễn Công Danh (Á khoa môn Anh Năng Khiếu năm 2015) chia sẻ: “80 câu trắc nghiệm nhiều khi cũng gây cho các bạn nhiều áp lực, nhất là khi mình “chạm trán” một câu rất khó ở ngay giữa bài thi. Các bạn hãy tạm gác qua những câu hỏi khó, để hoàn tất những câu hỏi mà mình chắc chắn nhất và quay trở lại sau để giữ một tâm lý vững vàng”.